Giá cà phê tăng trở lại vào cuối tuần, lên 36 triệu đồng/tấn

Th07 25, 2022 / Theo System Admin / in Tin tức & Sự kiện

Giá cà phê điều chỉnh nhẹ khi nhà đầu tư và các Quỹ trên các thị trường cân đối sổ sách cuối tuần trong khi đồng Reais Brazil suy yếu trở lại.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này (ngày 11/5), trên sàn ICE Europe – London, giá cà phê Robusta điều chỉnh tăng. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 tăng 15 USD, lên 1.758 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 9 tăng 9 USD, lên 1.745 USD/tấn. Khối lượng giao dịch giảm xuống dưới mức trung bình. Cấu trúc giá đảo được nới rộng tthêm khoảng cách.

Trái lại, trên sàn ICE US – New York , giá cà phê Arabica điều chỉnh giảm. Kỳ hạn giao ngay tháng 7 giảm 0,15 cent, xuống 119,4 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 0,15 cent còn 121,75 cent/lb, các mức giảm rất nhẹ. Khối lượng giao dịch chỉ ở mức trung bình.

Giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây nguyên tăng 200 – 300 đồng, lên dao động trong khung 35.500 – 36.000 đồng/kg.

Giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở mức 1.578 USD/tấn, FOB – HCM, với chênh lệch trừ lùi 170 – 180 USD theo giá kỳ hạn tháng 7 tại London .

Nhiều lo ngại rằng giá cà phê hồi phục trên cả hai thị trường kỳ hạn quốc tế sẽ bị ngăn cản khi USD đảo chiều suy yếu. Nhưng hầu hết các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ mạnh cũng sụt giảm tại phiên cuối tuần, trong đó đồng Reais Brazil giảm mạnh hơn đã kéo theo lực bán phòng hộ hàng vụ mới từ quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu gia tăng trở lại.

Vào thời điểm này, nông dân Brazil đang đẩy mạnh thu hoạch cà phê Conilon Robusta vụ mới năm nay với dự kiến 15,5 – 15,7 triệu bao và họ kỳ vọng sẽ sớm đưa ra thị trường nội địa do nguồn cung loại cà phê này đã cạn kiệt. Tuy nhiên, do tổng nhu cầu cà phê Conilon Robusta của Brazil hàng năm lên tới khoảng 18 – 20 triệu bao nên sẽ được bù đắp bằng cà phê Arabica chất lượng thấp.

Trong khi đó, sản lượng cà phê Robusta của các quốc gia châu Phi hầu hết đạt chất lượng cao nên có giá rất cạnh tranh và chỉ đủ cung ứng cho các thị trường rang xay cao cấp chủ yếu ở Đông – Tây Âu và quanh khu vực Địa Trung Hải.

Việt Nam cũng đã báo cáo xuất khẩu cà phê, chủ yếu là cà phê Robusta, trong tháng 4 đạt 155.689 tấn, tương đương 2.594.817 bao, nâng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2018 lên tổng cộng 685.068 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tăng là do sản lượng vụ mùa vừa qua đạt mức kỷ lục với ước tính khoảng 1,7 – 1,72 triệu tấn và do đó, còn hơn 40% khối lượng cà phê đang chờ được đưa xuống tàu, một con số được đánh giá là ở mức trung bình.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), nhiều đánh giá cho thấy nhu cầu cà phê toàn cầu tăng trung trung bình ở mức xấp xỉ  2% mỗi năm. Tuy nhiên, cũng có dự báo cho biết tốc độ tăng trưởng nhu cầu tại các thị trường tiêu thụ chính như châu Âu, Bắc Mỹ hầu như đã có phần chững lại. Trong khi mức tăng trưởng tại các thị trường khu vực châu Á và các thị trường mới nổi khá cao, do tỷ lệ dân số cao của khu vực này, cũng như sự gia tăng đáng kể của ngành công nghiệp cà phê giá trị gia tăng tại ngay chính các nước trồng cà phê.

 

Hiệp hội các nhà Xuất khẩu Cà phê (Ceccafé) Brazil báo cáo xuất khẩu tháng 4 chỉ đạt 1,9 triệu bao cà phê Arabica - giảm 0,5% so với tháng trước, trong khi cà phê Robusta tăng gấp đôi lên 53.472 bao. Sở dĩ lượng xuất khẩu cà phê Robusta rất thấp do giá loại này tại thị trường nội địa Brazil khá cao và luôn ở trong tình trạng cung không đủ cầu.

Các thương nhân kinh doanh cà phê khu vực Đông Nam Á cho biết, lượng cà phê Robusta vụ mới của Indonesia giao về các kho cảng Lampung vào khoảng hơn 2.000 tấn mỗi ngày, được cho là chỉ ở mức trung bình cho dù thu hoạch đã vào chính vụ, vì thời tiết ở một số vùng trồng cũng không thuận lợi để thu hái và nhất là giá mua của ngành công nghiệp trong nước đang có mức cộng thêm so với giá kỳ hạn London.

Nông dân và nhà đầu cơ nhỏ lẻ tại Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng bán cà phê ra ở mức giá hiện hành. Lượng hàng được giao xuống tàu chủ yếu đi từ kho của các doanh nghiệp FDI đóng ở xung quanh thành phố Hồ Chí Minh. 

Anh Văn


 

zalo-icon